Khai thác cây rừng làm cây cảnh: Dân chưa giàu – rừng đã nghèo

Cây rừng làm cảnh

(LSO) – Từ sau Tết Canh Tý 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Chi Lăng, nhất là ở các xã vùng núi đá, nhiều người dân lên rừng khai thác các gốc cây rừng để bán cho các thương lái miền xuôi làm cây cảnh. Việc làm đó đã hủy hoại đáng kể đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên rừng.

“Xẻ đá – phá rừng lấy cây”

Bạn đang xem: Cây rừng làm cảnh

Những ngày trung tuần tháng 4/2020, chúng tôi trong vai người đi thu mua gốc cây rừng tại một số xã thuộc vùng núi đá trên địa bàn huyện Chi Lăng gồm các xã: Bằng Mạc, Bằng Hữu, Y Tịch, Hòa Bình, Vạn Linh mới thấy rõ thực trạng người dân nơi đây đang khai thác tràn lan các loại cây rừng như: gỗ sang, túc, mề gà, trầm ổi, si xanh, si đỏ… Trong đó, các gốc cây trầm ổi được người dân khai thác nhiều nhất. Đa số những gốc cây này đều có bộ rễ bám chắc vào những tảng đá hoặc bám sâu vào lòng đất để chống xói mòn, sạt lở đất, đá. Những gốc cây được khai thác đa số đều có đường kính từ 30 đến 50 cm trở lên. Thậm chí có những gốc cây trầm ổi to 2 người ôm mới xuể. Tận mắt chứng kiến cảnh 16 người khiêng gốc cây trầm ổi lên xe ô tô cho thương lái thu mua với giá trên 20 triệu đồng, khiến chúng tôi không khỏi xót xa, bởi để có được một cây to như vậy phải mất cả trăm năm để phát triển.

Có thể bạn quan tâm: Cây quất hồng bì cảnh

Thương lái đến tận nhà thu mua cây rừng làm cây cảnh tại thôn Lũng Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng

Ông T.V.P (đề nghị giấu tên), thôn Kéo Phị, xã Bằng Hữu một trong những người thường xuyên đi khai thác gốc cây rừng, chia sẻ: Để khai thác được những gốc cây to như vậy, chúng tôi thành lập nhóm từ 3 đến 5 người đi cùng nhau, dùng xà beng, kích hơi, dao, máy xẻ, búa… để đập đá, chặt hạ cành, cắt rễ và chặt hạ các cây xung quanh, dọn đường thoáng đưa cây gỗ xuống núi tránh bị va đập, làm trầy xước vỏ, thân cây thì bán mới được giá cao.

Sau khi khai thác được cây đem về nhà thì khoảng 3 – 5 giờ chiều mỗi ngày sẽ có thương lái miền xuôi đánh xe ô tô đến tận nhà thu mua. Bởi gốc cây không có định lượng đo lường về giá bán như kilogam mà tùy theo con mắt của thương lái sẽ thẩm định và trả giá.

Ngược về xã Gia Lộc, chúng tôi đi cùng một nhóm người của thôn Lũng Mần lên rừng săn tìm gốc cây mới thấy rõ sức tàn phá tài nguyên rừng qua việc khai thác này. Họ lùng sục trong rừng, sống chung với muỗi, rắn rết, sẵn sàng treo mình trên vách đá chỉ nhằm mục đích duy nhất là tìm được một cây cảnh đẹp. Để lấy được một gốc cây rừng đem bán họ phải chặt hạ hàng loạt cây khác, chính vì vậy, không chỉ gốc cây bị đốn hạ mà các loại cây vô tội khác cũng phải “chết oan”. Họ thà để người bị “trầy vi tróc vẩy” chứ không để cây trầy vỏ, gãy thế để đem cây về được nguyên vẹn.

Xem thêm: Cây cảnh bị vàng lá

Nhanh tay vung dao hạ những cây khác để có không gian đốn hạ một gốc cây trầm ổi, anh H.V.T, thôn Lũng Mần, xã Gia Lộc cho biết: Nhóm em có 3 người, ngày nào “trúng quả” (tìm được gốc cây to có dáng, thế đẹp) thì bán được giá cao, chia nhau cũng kiếm được ngày khoảng 300.000 – 500.000 đồng. Còn gốc này chắc được giá khoảng 500.000 đồng. Cũng theo anh H.V.T thì tính riêng trong 2 thôn: Lũng Mần và Nà Mần, xã Gia Lộc đã có khoảng 30 – 40 người vào rừng tìm cây rừng đem bán.

Không để vắt kiệt tài nguyên rừng

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các địa bàn đang diễn ra tình trạng khai thác gốc cây rừng làm cây cảnh, trong những năm trở lại đây, đã diễn ra tình trạng khai thác các loại cây ngũ sắc, mía vượn trên rừng đem về bán cho thương lái. Nay lại đến lượt khai thác các loại cây thân gỗ khác để làm cây cảnh, khiến những vạt rừng núi đá của các xã trên đèo như đang quằn quại trước sự tàn phá của con người. Điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng khai thác cây rừng làm cây cảnh trên địa bàn đã diễn ra trong thời gian dài, người đi rừng tìm cây chưa thấy khấm khá lên nhưng những cánh rừng thì đã cạn kiệt các loại cây, mất đa dạng hệ sinh thái và hủy hoại tài nguyên rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Đoàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chi Lăng cho biết: Tình trạng khai thác cây rừng làm cây cảnh đã và đang diễn ra tại một số xã trên địa bàn huyện. Từ đó sẽ làm mất sự đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên rừng. Để ngăn chặn triệt để việc khai thác cây rừng làm cây cảnh, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn và phối hợp với UBND các xã nhắc nhở, tuyên truyền người dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Nếu người dân không chấp hành hoặc phát hiện những đối tượng khai thác cây rừng tự nhiên làm cây cảnh sẽ xử phạt nghiêm minh với những hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, chúng tôi chưa xác minh được cụ thể các đối tượng, trường hợp vi phạm để xử phạt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng để tuần tra, ngăn chặn việc khai thác bừa bãi các loại cây rừng làm cây cảnh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được việc khai thác cây rừng làm cây cảnh là hành vi vi phạm; nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ màu xanh của rừng là bảo vệ sự sống của con người.

Thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn kịp thời vấn nạn trên, không để tài nguyên rừng tiếp tục bị xâm hại.

Có thể bạn quan tâm: Cách làm giàn treo cây cảnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *