Cây chay là loài cây thuộc nhóm các giống cây phổ biến tại Việt Nam. Ngoài những công dụng về thẩm mỹ, chữa bệnh,… thì ý nghĩa phong thủy của cây chay cũng khiến nhiều người bất ngờ.
Tìm hiểu về các loại cây phong thủy, nhiều cái tên khiến chúng ta cảm thấy “không tưởng”, bởi chính sự thân thuộc, gần gũi và có phần bình dị của chúng. Ví dụ như cây hoa giấy và phong thủy, cây nha đam phong thủy, phong thủy cây xương rồng,… chúng đều xuất hiện và tồn tại từ rất lâu trong đời sống hằng ngày của con người nhưng ít ai lại để ý chúng dưới góc độ phong thủy, khả năng thu hút vận may và tái tạo nguồn năng lượng của chúng.
Bạn đang xem: Cây chay cảnh
Tương tự như vậy, cây chay vốn khá quen mặt với nhiều người, nhất là ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, đối với giới mê cây cảnh, quan tâm đến trồng cây phong thủy thì cây chay được xếp vào nhóm tiềm năng bởi công dụng, ý nghĩa tuyệt vời mà loại cây này mang lại.
Đừng bỏ qua bài viết này nếu như bạn chưa thực sự biết về ý nghĩa phong thủy của cây chay cùng những đặc điểm sinh trưởng, công dụng của chúng.
Đặc điểm hình thái của cây chay
Cây chay thuộc họ dâu tằm, có tên khoa học là Artocarpus tonkinensis A. Chey. Tại Việt Nam, cây chay được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, như Bắc Kạn, Lai Châu, Lào Cai,… và đang dần mở rộng ra Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Giang,…Đa phần, cây thường mọc tự nhiên ở trên đất đồi, ven rừng hoặc người dân lấy về trồng tại vườn.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác rừng để làm đất canh tác, ưu tiên trồng cây ăn quả, cây có hiệu quả kinh tế cao nên số lượng cây chay tự nhiên đang dần khan hiếm, thay vào đó, người trồng nhân giống để trồng ở các công trình nhà ở, khu vực sân vườn,… Đây cũng là loại cây đặc hữu chỉ có và sinh trưởng ở nước ta.
Cây chay thuộc loài thân gỗ sống lâu năm, có chiều cao trung bình từ 10 – 15m, riêng cây chay cảnh thì kích thước nhỏ gọn hơn. Với kích thước này, cây chay cần có không gian rộng rãi để sinh trưởng và phát triển. Ưu điểm của cây chay là có thể được trồng quanh năm, thích hợp nhất là bắt đầu vào mùa mưa, thuộc nhóm những cây dễ trồng, dễ chăm sóc và rất ít khi bị sâu bệnh.
Cây chay được chia ra làm hai loại, gồm: chay đỏ (hay còn gọi là chay tím) và chay xanh.
- Thân cây chay có màu xám, bề mặt nhẵn, cành non có lông màu hung nâu, chuyển sang nâu sẫm khi cành già.
- Lá cây có hình bầu dục, nhẵn bóng ở mặt trên và mặt phía dưới có lông nhung ngắn mọc so le nhau. Chiều chiều dài từ 7 tới 15cm, chiều rộng trung bình của lá chay khoảng 5cm và chiều dài tầm 10cm.
- Búp và cành của cây chay có lông màu vàng nhạt, khi già chuyển màu nâu sẫm.
- Cây có tán lá rất rộng, độ che phủ và tạo bóng mát lớn.
- Cây chay có hoa mọc đơn độc ở nách lá, thường ra hoa vào tháng 3 – 4 và ra quả vào tháng 7 – 9. Quả chay non có màu xanh, khi chín có màu vàng, ruột hồng và vị hơi chua.
- Vỏ và rễ cây chay có vị chát, hay được sử dụng để ăn cùng trầu. Rễ chay có phần thịt vỏ mềm, màu nâu hồng; phần ruột màu trắng, vị chát pha chút hơi ngọt.
Tác dụng của cây chay
Chay là một loài cây quen thuộc và có tính ứng dụng, tính thực tế cao trong đời sống. Hầu hết các bộ phận của cây đều có thể sử dụng trực tiếp hoặc chế biến qua các sản phẩm gián tiếp. Chúng vừa có ý nghĩa đối với y học, ẩm thực lẫn môi trường, cảnh quan.
Công dụng của cây chay đối với đời sống hàng ngày
Quả chay có thể chế biến thành những món ăn cực kỳ lạ và ngon miệng, nhưng lại rất dễ chế biến như cá kho quả chay, canh chua cùng quả chay, cua đồng kho quả chay,… Vị chua chua ngọt ngọt giúp món ăn thêm phần thanh đạm, dậy vị. Những món ăn này cũng rất hiệu quả trong việc giải nhiệt cho cơ thể (nhất là vào mùa hè nắng nóng). Ăn những món từ quả chay, chắc hẳn không ít người nhớ đến hương vị của tuổi thơ, nơi miền quê yên bình với cây đa – giếng nước – sân đình.
Công thức cho nồi canh cá cùng quả chay trọn vị
Khi nước canh vừa chín tới là có thể cho những lát chay vào (chay còn tươi hoặc đã phơi khô). Đợi nồi canh sôi trở lại trong vài phút thì nêm nếm vừa ăn rồi nhấc xuống, múc ra bát, cho chút ngò đã cắt nhỏ cùng một ít tiêu xay. Những khứa cá trắng ngọt béo hòa lẫn trong vị chua dịu của quả chay tạo nên món ăn hài hòa về hương vị, có nét khác biệt và đặc trưng của tô canh vùng miền núi trung du.
Cá kho quả chay
- Chuẩn bị: Cá đồng (có thể thay thế bằng cà rô hoặc cá tràu), hành, ớt, tiêu, quả chay.
- Thực hiện: cá làm sạch, ướp ớt,hành, tiêu trong 15 phút. Sau đó rán qua cá rồi bỏ vào nồi cho 1 chút nước mắm, thả vài lát quả chay rồi đun nhỏ lửa. Đợi tầm 30 phút thì tắt bếp và thưởng thức.
Cua đồng kho quả chay
- Chuẩn bị: Cua đồng, quả chay, hành củ, lá lốt.
- Thực hiện: Đặt một lớp lá lốt dưới đáy nồi, xếp những con cua rạm đã làm sạch lên trên, tiếp tục là trải một lớp quả chay cắt lát mỏng. Hành củ phi thơm rồi rưới đều nước mỡ phi hành lên trên mặt cua rạm, ướp nồi rạm thấm gia vị vừa ăn rồi kho nhỏ lửa.
Xem thêm: Cây cảnh văn phòng để bàn
Bản chất cây chay cũng là một loại cây xanh, vì vậy cũng có tác dụng trong việc điều hòa không khí, mang tới cảm giác tươi mát, trong lành. Ngoài ra, sử dụng cây chay để trang trí cảnh quan còn tạo sự thân thuộc, gần gũi bởi loài cây này mang những giá trị văn hóa đậm chất Việt nam. Màu sắc, hình dáng của cây, sự tươi tốt quanh năm rất thích hợp để cải thiện tính thẩm mỹ cho không gian.
Là cây thuộc nhóm thân gỗ nên gỗ chay có chất lượng cũng khá ổn, chúng được xếp vào nhóm 8 – nhóm gỗ nhẹ, cùng với các cây gỗ quý khác như: bồ đề, bồ kết, bông bạc, bộp, bồ hòn,… Gỗ cây chay thường được sử dụng làm đồ gia đình, đồ nội thất và đồ thủ công khác. Dù có tính thẩm mỹ cao nhưng gỗ chay lại có nhược điểm là dễ bị cong vênh và khả năng cao bị mối mọt, độ bền khá thấp.
Tác dụng của cây chay trong y học
Dưới góc nhìn y học, phần rễ, quả và vỏ của cây chay đều là những thành phần đóng vai trò quan trọng trong rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt, ngay cả Viện hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam cũng đã thiết lập nhiều công trình nghiên cứu, thử nghiệm toàn diện liên quan đến những ứng dụng trong y học hiện đại của cây chay Bắc bộ, mục đích chữa các bệnh lý về xương khớp, như: thoát vị đĩa đệm, điều trị bệnh thoái hóa cột sống, chữa trị thoái hóa đốt sống cổ, điều trị thần kinh tọa, Lupus, nhược cơ,…
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, có 4 loại hoạt chất cực hiếm nhưng lại có trong cây chay, là: Maesopsin, Alphitonin, Kaempferol, Artonkin. Những chất này có tác dụng gây ra ức chế miễn dịch và chống viêm cực kỳ tốt. Đặc biệt, chúng chỉ ức chế miễn dịch gây bệnh chứ không ảnh hưởng đến các miễn dịch có lợi của cơ thể. Lá chay trị bệnh nhược cơ – một bệnh tự miễn, liên quan đến trương lực các cơ trong cơ thể. Chúng cùng phần rễ còn có tác dụng chữa đau lưng, làm chắc chân răng.
Về thành phần hóa học:
- Quả chay xanh chứa các hợp chất saponin steroid alkaloid gồm solasodin và solasonin.
- Dịch quả chay chứa dimethyl nitrosamin.
- Lá cây chay chứa nhiều protein và canxi.
- Vỏ thân chay chứa các hợp chất stilben, flavonoid: Catechin, afzlectin 3-O- α-L-rhamnopyranosid,…
- Vỏ rễ chứa các hợp chất tanin, polyphenol…
Về tác dụng sinh học:
- Dịch chiết toàn phần từ lá cây chay có tác dụng ức chế miễn dịch trên động vật thực nghiệm, ức chế biểu hiện của một số gen liên quan đến quá trình ung thư tủy xương.
- Cao chiết xuất từ lá chay có tác dụng chống viêm, làm giảm quá trình thải ghép trong cơ thể; cũng có tác dụng lên gen điều chỉnh bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Lá chay có Flavonoid cũng mang tác dụng kìm hãm tăng sinh tế bào ung thư tủy xương.
Một số bài thuốc đơn giản từ các thành phần của cây chay:
- Dùng 5 – 7 quả chay tươi đem ép lấy dịch để uống; hoặc cũng có thể dùng quả khô 20g/ngày, sắc uống: bài thuốc này hiệu quả trong việc kích thích tiêu hóa nhờ quả chay có vị chua, tính bình. Ngoài ra còn có tác dụng làm săn da, trị ho hiệu quả, bao gồm: ho ra máu, đau họng,… và trường hợp dạ dày thiếu acid, nôn ra máu, chảy máu cam,…
- Bài thuốc trị bệnh tê thấp, đau lưng, mỏi gối: lá và rễ chay, mỗi thứ 30g, thổ phục linh 15g, thiên niên kiện 12g. Sắc uống ngày một thang, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn 2 giờ.
- Chữa rong kinh, bạch đới: sử dụng rễ cây chay, rễ cỏ tranh, mỗi vị 40g/ngày. Sắc uống, ngày 2 lần, trước bữa ăn 2 giờ.
- Chữa đau răng, lợi: rễ chay 40g, sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.
Ý nghĩa phong thủy của cây chay là gì?
Mặc dù không có bất kỳ tài liệu nào nghiên cứu chính xác hay ghi chép lại ý nghĩa phong thủy của cây chay nhưng người xưa vẫn tin rằng, loài cây này mang đến những điều may mắn và tài lộc. Hình dáng cao lớn, sum suê của cây chay tượng trưng cho sự vững chãi, thịnh vượng và bảo vệ, gia đình luôn được che chở, thu hút những điều tích cực.
Nên trồng cây chay ở vị trí nào là tốt nhất?
Rất nhiều người băn khoăn nên trồng cây chay ở đâu để mang lại vượng khí? Có nên trồng cây chay ở trước nhà hay không?
Một số quan điểm khuyên rằng, không nên trồng cây chay trước hay trong nhà vì bản chất đây là cây lớn, dễ trở thành nơi lưu trú của những dòng khí không tốt. Ngoài ra, vì cây cao to nên nếu trồng trước sân hay trước cửa ra vào sẽ che khuất hết ánh sáng, ngăn chặn luồng khí tốt đi vào nhà. Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngược lại, cho rằng cây chay trồng trước nhà sẽ tỏa ra bóng mát, giúp làm khuếch xạ nhiệt, ngôi nhà nhờ thế mà mát mẻ hơn.
Thực tế, với kích thước và hình dáng của cây chay thì ngoài trời là khu vực lý tưởng nhất để trồng loại cây này. Trồng trước nhà, ngay cổng chính, sân vườn tạo cảnh quan phía trước hay sân sau,… cũng đều phù hợp. Đặc biệt, gia chủ nên trồng ở những nơi rộng thoáng để cây phát triển thoải mái, tạo bóng mát và cảnh quan hòa hợp hơn.
Với loại cây này thì hầu hết các tuổi và mệnh đều phù hợp, vốn dĩ chúng đã xuất hiện khá lâu trong tự nhiên nên việc ứng dụng cũng không gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người trồng còn được hưởng lợi rất nhiều từ cây chay. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tính an toàn bởi kích thước cây lớn, cành lá nhiều. Người trồng nên chọn những vị trí không quá gần mái nhà hoặc khu vực sinh hoạt thường xuyên, thường xuyên thu dọn lá hoặc quả chay rụng để đảm bảo vệ sinh và cảnh quan.
Một số lưu ý khác để trồng cây chay đúng phong thủy:
- Thường xuyên tỉa bớt cành lá cây chay, không để cành lá quá um tùm bởi chúng sẽ che khuất ánh sáng chiếu vào nhà, dẫn đến ngôi nhà bị thiếu sáng, tối tăm, thiếu dương khí,…Không trồng cây chay ở vị trí chắn giữa cửa mà nên trồng lệch sang bên trái hoặc phải ngôi nhà để đảm bảo sự hài hòa, cân đối.
- Không để cây chay (dù trồng ở bất kỳ vị trí nào) bị khô hay chết, như vậy gia chủ sẽ phải chịu những điều không hay. Nên cần phải chăm sóc cây tốt, giữ cho cây luôn xanh tươi, sinh trưởng tốt. Nếu cây chết thì phải nhanh chóng chặt đi và trồng thay thế cây khác vào.
Cây chay phong thủy có giá bao nhiêu tiền?
Sở hữu nhiều tác dụng trong đời sống và y học, nhưng giá của những cây chay non lại không quá đắt, chỉ từ 20.000đ – 50.000đ/cây. Tuy nhiên, đối với cây chay lâu năm, dáng cổ thụ, dáng đẹp – độc – lạ thì số tiền bỏ ra lên đến từ vài triệu, chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm: Cây cảnh văn phòng tphcm
Hiện nay, những cây chay phân bổ ngoài tự nhiên hoặc được rao bán ở các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Lai Châu,… sẽ có giá đắt hơn so với những cây chay bán ở Hà Giang, Hà Nam, Bắc Giang và một vài các tỉnh miền Trung khác. Điều này xuất phát từ nguyên nhân khác biệt về kích thước, hình dáng, năm tuổi của cây.
Cách trồng và chăm sóc cây chay phong thủy
Kỹ thuật trồng cây chay phong thủy
Chuẩn bị giống và nguyên vật liệu:
- Cây chay giống (mua ở các cửa hàng cây ăn quả giống…), chọn giống cẩn thận để cây sinh trưởng tốt nhất.
- Phân bón, vôi bột
- Nước
- Dụng cụ: Cuốc, xẻng…
Các bước tiến hành trồng:
- Đào hố trồng cây chay: hố trồng cây nên được đào sớm trước ngày trồng khoảng 1 tháng với kích thước hồ tối thiểu là 40x40x40cm. Sau khi đào xong, lưu ý rằng cần bón lót cho mỗi hố một lượng phân bón NPK kết hợp với phân Lân và vôi bột khử trùng. Đặc biệt, trộn với đất và ủ trong 1 tháng trước khi đem cây ra trồng để tránh trường hợp cây bị sốc phân và hạn chế nguy cơ nhiễm sâu bệnh từ đất.
- Khi trồng cần bóc túi nilon ra và đặt bầu đất vào chính giữa hố. Chỉnh hướng sao cho cây đứng thẳng và lấp đất đều quanh gốc cây. Dùng tay lèn chặt và có thể cắm thêm cọc để hỗ trợ giữ hướng đứng thẳng cho cây. Trồng xong nên tưới nước ngay cho cây để cung cấp độ ẩm và giữ ẩm trong suốt quá trình đầu mới trồng.
Cách chăm sóc và phòng bệnh cho cây chay
Chế độ chăm sóc định kỳ
Bất kể loài cây nào, dù dễ sống và ít công chăm sóc đến đâu thì cũng cần có sự quan tâm nhất định theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển của chúng.
Nhu cầu nước tưới của cây: Cây chay vốn có nhu cầu nước tưới tương đối cao so với các loại khác, đặc biệt là vào thời điểm mùa hè nắng nóng. Người trồng cần để ý đến những thời điểm này để tăng lượng nước, đặc biệt khi khô hành, giai đoạn cây sắp ra hoa và đang ra quả. Nhưng cũng cần lưu ý, vào mùa mưa phải xới xáo đất thường xuyên, tránh tình trạng đất ngập úng dẫn đến thối rễ.
Phòng trừ cỏ dại: cỏ dại mọc xung quanh sẽ hút hết chất dinh dưỡng cho cây cũng như giảm hiệu quả trong tính thẩm mỹ. Người trồng có thể phủ gốc chay bằng cỏ khô, rác, cây phân xanh… để hạn chế sự mọc lên của cỏ dại; xới phá sau mỗi trận mưa to. Cụ thể theo các mốc thời gian: làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.
Kỹ thuật cắt tỉa, tạo hình
Cắt, tỉa tạo hình cho cây chay là kỹ thuật quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến tính thẩm mỹ và giá trị của cây.
Nếu bị chặt ngang, từ gốc sẽ nảy lên rất nhiều chồi. Thường thì người trồng phải tỉa bớt chúng, chỉ để lại 1 – 2 chồi để phát triển thành cây. Việc uốn, tạo hình phải tùy thuộc vào đặc điểm của cây và điều kiện tự nhiên trên thực tế.
Phòng trừ các loại sâu, bệnh cho cây chay
Cây chay vốn cũng là loài khỏe mạnh, ít khi bị sâu bệnh nhưng không hẳn là không có. Những loại bệnh thường gặp là sâu đục quả và thối rễ. Trường hợp này cần chăm sóc, theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời. Có thể phun một số loại thuốc bảo vệ thực vật theo liều lượng đã quy định. Riêng với trường hợp cây có biểu hiện thối rễ, cần nhanh chóng xới xáo đất để giúp rễ khô ráo hơn.
Ý nghĩa phong thủy của cây chay và những điều thú vị ít ai ngờ tới của loài cây này sẽ là nguồn thông tin cực kỳ hữu ích cho những ai quan tâm đến trồng, chăm sóc cây phong thủy.
Nguồn: Trần Anh Group
Xem thêm:
Xem thêm: Mua chậu nhựa trồng cây cảnh ở hà nội
- Top 05 cây phong thủy cho quán ăn giúp đông khách quanh năm
- Tuyệt chiêu chọn cây phong thủy quán cà phê hút khách, hút tài lộc
- Cây thủy tùng hợp mệnh gì? Ý nghĩa phong thủy ra sao?
Bài viết liên quan: