Làm bể cá bằng thùng xốp xi măng là một trong những cách làm đơn giản, sáng tạo và hiệu quả. Có thể bạn chưa biết, việc nuôi cá trong thùng xốp xi măng sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá chi phí so với nuôi cá trong bể kính hoặc xây bể cá bằng xi măng. Bên cạnh đó, việc làm bể cá bằng thùng xốp và xi măng cũng không quá cầu kì, phức tạp. Do đó, đông đảo người chơi cá đã tự mình thiết kế và làm ra những bể cá có tính thẩm mỹ cao từ thùng xốp và xi măng để nuôi cá ngay tại nhà mình.
Nếu bạn cũng có đam mê với việc này, hãy cùng theo dõi bài viết ngay sau đây của công ty xây dựng Tiên Phong để tìm hiểu cách làm bể cá handmade này nhé.
Bạn đang xem: Thùng xốp tráng xi măng
Ưu điểm nổi bật của cách làm bể cá bằng thùng xốp xi măng
Làm bể cá bằng thùng xốp xi măng không chỉ đơn giản, dễ dàng thực hiện ngay tại nhà mà còn có nhiều ưu điểm vượt trội sau đây:
- Tiết kiệm chi phí
Chỉ với vài cái thùng xốp cũ không dùng đến trong nhà hoặc mua bên ngoài với giá chỉ từ 5.000 tới 10.000 VNĐ mỗi thùng là bạn đã có thể xây dựng được một ngôi nhà mới cho đàn cá của mình rồi. Bên cạnh giá thành rẻ của thùng xốp, việc này còn giúp người chơi cá tiết kiệm khá nhiều thời gian và chi phí xây dựng, thi công bể cá cũng như lắp đặt hệ thống xử lý nước thải với bể cá bằng xi măng hoặc bể kính.
- Khối lượng bể cá bằng thùng xốp xi măng không quá lớn
Vì bể cá được làm bằng thùng xốp và tráng xi măng nên khối lượng tương đối nhẹ, dễ dàng di chuyển, bê vác. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ thuận tiện hơn nếu cần xử lý những vấn đề trong quá trình nuôi cá như: cá bị bệnh, tắm thuốc cho cá,… với bể cá này, bạn có thể di chuyển cá trong bể đến nơi an toàn khác một cách dễ dàng mà không mất nhiều công sức lẫn thời gian.
Có thể bạn quan tâm: Bảng Giá Xi Măng Holcim (INSEE) Mới Nhất 2022
Đến khi bạn không muốn nuôi cá nữa, bạn chỉ cần dời thùng xốp đi chỗ khác là được. Trong khi nếu sử dụng bể xi măng hoặc bể kính thì việc dọn dẹp, tháo dỡ sẽ phức tạp hơn.
- Giúp cá dễ sinh sản hơn
Một ưu điểm nữa của việc nuôi cá trong thùng xốp xi măng là nhiệt độ nước trong thùng thường ấm hơn so với bể cá bằng vật liệu khác. Đây cũng là điều kiện lý tưởng giúp kích thích cá sinh sản. Vì vậy, nếu người nuôi muốn kích thích cá sinh sản thì đừng chần chừ mà hãy thử ngay cách nuôi cá trong thùng xốp xi măng.
Nhược điểm của việc nuôi cá trong thùng xốp xi măng
Ngoài những ưu điểm nêu trên, bể cá làm từ thùng xốp cũng có những điểm yếu mà bạn cần biết để cân nhắc trước khi áp dụng. Cụ thể, loại bể này thường gặp nhược điểm là:
- Kích thước bể nhỏ
Chỉ một chiêc thùng xốp thì không thể chứa được nhiều cá, đặc biệt là những chú cá cảnh lớn. Do vậy, nếu có ý định nuôi cá trong thùng xốp bạn cần ghép nhiều thùng với nhau, việc này cũng khá mất công và tốn thời gian.
- Tính thẩm mỹ không quá cao
Bạn có thể biến tấu, trang trí thùng xốp theo rất nhiều cách để chúng trở nên sinh động và đẹp hơn theo rất nhiều cách. Tuy nhiên, thùng xốp căn bản vẫn không thể đẹp như bể xây bằng xi măng hay bể kính.
- Độ bền không cao
Có thể bạn quan tâm: Tấm fibro xi măng phẳng
Thùng xốp có thể bị hỏng, nứt nếu khối lượng cá và nước trong thùng quá lớn hoặc di chuyển thùng quá nhiều. Đây cũng là điều mà người chơi cá lo ngại nhất vì họ không bao giờ muốn chuyện đáng tiếc này xảy ra. Chỉ cần một vấn đề nhỏ thôi là chú cá thân yêu do bạn ngày đêm chăm sóc sẽ có thể “ra đi” ngay lập tức.
Cách làm bể cá bằng thùng xốp xi măng đơn giản
Để làm được một bể cá đẹp từ thùng xốp và xi măng, trước tiên bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ sau đây:
- Thùng xốp: Tùy vào số lượng và kích thước cá định nuôi mà bạn có thể chọn lựa những thùng xốp lớn hoặc bé theo mong muốn. Thông thường để làm bể cá sẽ cần từ 1 đến 4 thùng.
- Bút, thước: dùng để kẻ đường cắt trên thùng xốp.
- Dao rọc giấy: để tỉa, khoét, gọt. Bạn nên sử dụng dao bản to để tránh cong lưỡi dao trong quá trình thực hiện.
- Súng silicon: dùng để gắn các thùng xốp lại với nhau.
- Băng dính: dán, cố định bể khi bề mặt silicon đã khô.
- Bay: để trát xi măng phần lòng bể.
- Xi măng và cát: bạn nên trộn xi măng cùng với cát để trát bể, nếu chỉ dùng xi măng thôi thì bể rất dễ bị khô và nứt.
- Xô, chậu hoặc tấm bạt để trộn xi măng.
- Đồ trang trí bể theo ý thích: đá, sỏi, tượng hay bất cứ vật gì mà bạn muốn dùng để trang trí bể.
Sau đây là hướng dẫn các bước làm bể cá bằng thùng xốp xi măng đơn giản tại nhà, hãy cùng tham khảo ngay nhé.
Bước 1: Cắt và ghép các thùng xốp lại với nhau.
- Trước tiên, bạn hãy lau lại thùng xốp cho sạch để bảo đảm băng dính và silicon sẽ bám chặt vào mặt thùng.
- Đo và dùng bút kẻ đường muốn cắt trên cạnh của thùng sao cho khớp nhau giữa các thùng.
- Dùng dao cắt phần cạnh thùng để ghép các thùng thành hình chữ nhật đủ lớn cho cá bơi qua lại.
- Sau khi cắt xong, bạn sử dụng súng silicon để gắn các mặt tiếp xúc giữa các thùng. Nên dùng nhiều silicon một chút để tránh hiện tượng nứt toác làm rỉ nước hoặc vỡ thùng.
- Đợi silicon khô, sử dụng băng dính để dán toàn bộ bề mặt (bao gồm cả đáy thùng). Điều này ngoài mục đích cố định các thùng với nhau thì còn giúp việc vệ sinh về sau dễ dàng hơn.
Trường hợp chỉ dùng 1 thùng xốp làm bể thì bạn có thể bỏ qua bước cắt ghép này.
Bước 2: Thực hiện ghép mặt kính
- Để có thể nhìn bể cá từ mặt bên, bạn có thể ghép kính vào một mặt của thùng xốp. Đầu tiên là chuẩn bị 1 tấm kính với kích thước nhỏ hơn so với cạnh thùng xốp.
- Đo và vẽ lại trên bề mặt thùng xốp hình khối với kích thước đúng bằng kích thước của tấm kính.
- Cắt xốp theo đường đã vẽ. Làm tương tự với các mặt mà bạn muốn ghép kính.
- Ghép tấm kính vào thùng xốp sao cho chúng được giữ cố định bởi cạnh thùng.
- Sử dụng súng bắn silicon để gắn tấm kính vào thùng xốp, đảm bảo không chỗ nào bị hổng để nước không bị rò ra ngoài. Để chắc chắn hơn, có thể dùng băng dính dán thêm ở viền xung quanh kính cả mặt trong và mặt ngoài thùng xốp.
Bước 3: Tráng xi măng
- Trộn xi măng và cát theo tỉ lệ 4:1. Đổ nước vào từ từ để hỗn hợp không bị loãng hoặc vón cục.
- Để tránh xi măng dính vào mặt kính, bạn cần dán băng dính vào mặt kính phía bên trong thùng trước khi trát xi măng.
- Quét một lượt xi măng ở mặt trong thùng, đảm bảo lớp xi măng láng đều mặt thùng. Việc này sẽ giúp nước không bị thấm hay rò rỉ ra bên ngoài, đồng thời giúp cá có môi trường sống tương tự bể cá xây bằng xi măng.
- Tiếp đến, sử dụng bay để trát một lớp xi măng nữa dày hơn. Hãy trát kín lòng bể trước, sau đó là thành bể, các chi tiết muốn xây và cuối cùng là đoạn nối giữa các thùng. Đoạn nối này rất quan trọng, bạn nên đắp xi măng dày khoảng 3cm.
- Khi xi măng đã khô và cứng lại, bạn bóc phần băng dính trên tấm kính ra và vệ sinh sạch sẽ lại.
Một số điều cần lưu ý:
- Xi măng có thể ăn tay nên bạn hãy dùng găng tay cao su, găng tay y tế hoặc nilon ở bước tráng xi măng này.
- Sau khi trát xi măng xong, đặt bể ở chỗ có nắng sẽ giúp bể nhanh khô, tuy nhiên không nên đặt ở chỗ quá nhiều nắng sẽ làm bể bị khô, nứt. Đặt bể ở yên vị trí đó trong khoảng 24 giờ.
- Khi bể đã khô, bạn hãy xả nước vào bể dần dần. Xả khoảng 1/3 bể trước để kiểm tra xem bể có nứt hoặc rỉ nước ra không. 1 ngày sau nếu không có dấu hiệu bất thường thì cho thêm nước đến 2/3 bể và chờ tiếp 1 ngày. Nếu tình trạng nứt không xảy ra thì xả nước vào đầy bể rồi chờ thêm từ 2 đến 3 ngày nữa. Mục đích của việc làm này ngoài khẳng định mình đã làm thành công bể cá thì cũng giúp đào thải các chất độc trong xi măng ra ngoài.
- Nước ngâm bể nên đổ đi hết và sử dụng nước sạch để cọ rửa và tráng lần cuối cùng.
Bước 4: Trang trí và hoàn thiện
- Bạn có thể sử dụng sơn và các đồ trang trí đã chuẩn bị để sáng tạo bể cá theo sở thích của mình.
- Có thể dùng cây thủy sinh để lọc nước và che nắng cho cá như sen tròn, thủy trúc, rong la hán, lưỡi mác, lưỡi mèo,…
- Dải một lớp sỏi dưới đáy bể sẽ giúp giữ độ trong của nước nhờ tác dụng làm lắng chất thải của cá.
- Có thể cho thêm xỉ than vào bể để tăng hiệu quả lọc nước. Nên ngâm xỉ than trước ở bên ngoài khoảng 2 hoặc 3 ngày trước khi cho vào bể.
- Cuối cùng, bạn chỉ cần cho nước và thả cá vào bể là xong.
Làm bể cá bằng thùng xốp xi măng không chỉ đơn giản, tiết kiệm mà còn là phương pháp độc đáo giúp bạn thỏa sức sáng tạo, thiết kế bể cá theo ý muốn của mình. Hy vọng sau khi cùng chúng tôi tìm hiểu cách làm, bạn có thể áp dụng thành công và có cho mình một bể cá thật ưng ý. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
Có thể bạn quan tâm: Nhà máy xi măng hà tiên
[lienhe]
Bài viết liên quan: